Sunday, October 11, 2015

Bài thuốc đông y trị hôi miệng

Theo Đông y, hôi miệng là do vị nhiệt. Vị nhiệt biểu hiện với những triệu chứng như: lợi đỏ, chảy máu chân răng...

Theo Đông y, hôi miệng là do vị nhiệt. Vị nhiệt biểu hiện với những triệu chứng sau:

- Lợi đỏ: Ở người bình thường lợi trắng sạch, nhuận. Nếu vị nhiệt: lợi đỏ, hơi sưng nề, có nhớt, mùi hôi.

- Chảy máu chân răng: Do sưng nề, có biểu hiện viêm cho nên dễ bị chảy máu chân răng.

- Đường viền tiếp xúc giữa lợi và chân răng bị viêm, rạn nứt, mất độ bám. Đó là nơi trú ẩn cho nhiều loại vi khuẩn.

Rau rệu.

Nguyên tắc điều trị chứng hôi miệng

Thanh vị nhiệt (trừ nhiệt ở dạ dày), chống viêm, thông lợi đường tiêu hóa.

Một số bài thuốc:

Bài 1: Hoàng liên 10g, cỏ mực 16g, chi tử 12g, rau má, 20g, đinh lăng 20g, thục địa 12g, đương quy 12g, mộc thông 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Đương quy 16g, chỉ xác 8g, hoàng bá 12g, đinh lăng 16g, hoa hòe (sao) 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, trần bì 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Hoàng liên 12g, hoàng bá 10g, hoa hoè 12g, chi tử 10g, bồ công anh 16g, cỏ mực 16g, hương nhu 16g, trần bì 10g, tía tô 12g, mộc thông 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Đại hoàng 6g, chỉ xác 8g, hoàng cầm 12g, đương quy 12g, bạch thược 10g, hoàng kỳ 10g, cỏ mực 16g, hoa hoè 10g, lá đinh lăng 16g, cam thảo 10g, rau má 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trong dân gian cũng có những phương thuốc hay chữa chứng hôi miệng:

- Rau rệu một nắm, sao vàng hạ thổ, sắc uống.

- Lá hương nhu tía sắc lấy nước đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

- Hương nhu, ích mẫu, đinh lăng, hạ khô thảo mỗi vị 16g. Sắc uống.

- Chỉ xác 10g, đương quy 10g, xuyên khung 10g; lá phèn đen, cỏ mực, đinh lăng, rau dấp cá, thài lài tía mỗi vị 16g; hoàng kỳ 10g, sài hồ 10g. Mỗi ngày 1 thang, sắc 3 lần chia uống 3 lần.

Phòng bệnh

Dùng bàn chải đánh răng sau các bữa ăn. Khám răng và lấy cao răng định kỳ. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng. Không ăn vặt. Nếu bị táo bón, cần điều trị tích cực chứng bệnh này. Khi tiêu hóa diễn ra bình thường, chứng hôi miệng sẽ khỏi dần.

Lương y Trần Quốc Toản

Cóc có là vị thuốc chữa bệnh?

- Trong các loại động, thực vật được dùng làm thuốc chữa bệnh cho con người thì con cóc cũng được nhắc đến. Và trong dân gian cũng như trong một số công trình nghiên cứu chữa bệnh của các danh y, cóc đã được dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa bệnh.

Trường hợp một bệnh nhân ở Quảng Bình ăn gan, mật cóc sống chữa bệnh ung thư gan có kết quả, không ít trường hợp ăn cóc chữa bệnh theo kiểu đó đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Người thì bị ngộ độc phải đi cấp cứu, người thì bị liệt hai chân, người thì bị tử vong. Việc một số người quá tin vào cách chữa bệnh bằng những phương pháp quá bất thường như chỉ cần mắc võng nằm trong một khu vườn, uống nước từ một cái giếng hay uống nước hòa từ tro đốt vàng mã... mà bách bệnh tiêu tan và gần đây lại truyền nhau nuốt gan, mật cóc sống để chữa bệnh ung thư khiến cho những người có chuyên môn lo lắng.

Trong các loại động, thực vật được dùng làm thuốc chữa bệnh cho con người thì con cóc cũng được nhắc đến. Và trong dân gian cũng như trong một số công trình nghiên cứu chữa bệnh của các danh y, cóc đã được dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa bệnh. Các bậc cao minh trong giới Đông y đều có hướng dẫn rất cẩn thận về việc dùng cóc chữa bệnh. Khi nghiên cứu một số sách y học cổ truyền và một số bài thuốc cụ thể có liên quan đến việc dùng cóc, chưa thấy có bài nào nói về việc ăn gan, mật cóc sống để chữa bệnh.

Trong cuốn sách Thuốc Bắc thường dùng của DS. Nguyễn Văn Quý và BS. Nguyễn Phương do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2002, ở trang 690 có đề cập đến một vị thuốc tên là thiềm thừ, tên gọi khác là cóc. Các tác giả đã chỉ rõ bộ phận dùng, tính chất, tác dụng, liều dùng và giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh có thiềm thừ. Theo đó, bộ phận dùng là thịt và xương. Dùng cóc da vàng hoặc hơi đen có đốm trắng ở giữa đầu hoặc có chữ bát ở giữa bụng, nặng trên 50g (không được dùng loại cóc mắt đỏ hoặc có hai dọc xanh ở hai bên bụng, đó là loại cóc độc, ăn có khi chết người). Tác dụng sát khuẩn, bạt độc, thuốc phát tán ngoại khoa. Chủ trị kinh can, lở nhọt, đinh độc, trị kinh phong ở trẻ em, trị hen suyễn, suy dinh dưỡng, cam tích. Các tác giả cũng dẫn thông tin về tác dụng chữa bệnh của cóc qua các tài liệu cổ như Bản thảo kinh sơ, sách Yên quyền đời Đường; sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân để minh chứng cho việc cóc làm thuốc chữa bệnh đã được dùng từ cổ xưa. Các tác giả cũng chỉ rõ: phàm không trùng tích, nhiệt độc cấm dùng. Trẻ con không có cam tích và bị tiêu chảy sơ phát thì không nên dùng. Nọc độc cóc ở da và gan, nếu ai ăn phải thì chết người (khi mổ cóc phải bỏ hết da và ngũ tạng).

Dùng cóc làm thuốc chữa bệnh phải đúng cách nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành năm 1977, trang 949 có ghi vị thuốc nhựa cóc, còn có tên là thiềm tô, ngoài thiềm tô, con cóc còn cho ta thịt dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm ở trẻ em. Và tác giả chỉ rõ: vị thuốc có độc. Nhựa cóc thuộc loại thuốc độc bảng A. Cần chú ý khi dùng phải cẩn thận. Về chế biến thịt cóc làm thuốc, trang 950 tác giả chỉ dẫn: chọn những con cóc to, cóc da đen hay da vàng đều được. Trong nhân dân hiện nay chỉ tránh dùng loại cóc mắt đỏ. Dùng dao thật sắc chặt đầu ở phía dưới hai u to trên đầu mà bỏ đi. Khía dọc xương sống và lột bỏ hết da, moi bỏ hết ruột, gan, phổi và nhất là trứng cóc. Trong khi chế biến cần tránh không để cho nhựa cóc dính vào thịt.

Trong cuốn sách Cẩm nang bài thuốc hay cho bệnh thường gặp của các tác giả Thiền sư La Kỳ Hoàng và Trương Anh do Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1998, trang 845 có mục Ung thư gan với đơn thuốc chữa là 1-2 tấm da cóc tươi, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần (khái niệm ung thư trong sách này có đồng nghĩa với khái niệm ung thư hiện nay hay không, người viết chưa có tài liệu so sánh).

Trong cuốn sách Bí quyết điều trị các chứng u bằng Đông y do Lăng Diệu Tinh và Lý Ích Nhiên chủ biên được Nguyễn Hải Ngọc và Nguyễn Trọng Kiên dịch theo nguyên bản tiếng Trung, Nhà xuất bản Đại học Trung y dược Thượng Hải – 1997, Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2001, có ghi một số bài thuốc chữa, trong đó có một số bài trong thành phần có cóc. Chẳng hạn, trang 47 có mục U gan dạng cục to và trang 49 có ghi 3 bài thuốc cơ bản, trong đó có bài Giải độc chống ung thư, ngoài một số vị thuốc thảo mộc có thêm da cóc khô 9g; trang 70 có mục U gan và trong số các vị thuốc của bài thuốc Thanh nhiệt giải độc ở trang 72 có vị da cóc khô 10g...

Trong cuốn sách Đông y trị ung thư của PGS. Trần Văn Kỳ, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1994, trang 52 có ghi bài thuốc Hạc thiềm phương (bệnh viện trực thuộc Học viện Trung y Quảng Châu, Trung Quốc), trong các vị thuốc của bài thuốc nói trên có vị thiềm tô. Trang 76 có ghi bài thuốc Trị vị nham (Triết Giang), trong các vị thuốc của bài này có vị thiềm bì (da cóc khô). Trang 98 có bài thuốc Bánh trị ung thư, trong các vị thuốc của bài này có vị thiềm tô. Trang 112 ghi bài thuốc Thiềm hùng giải độc phương (Bệnh viện Trung y Bắc Kinh), thành phần của bài thuốc này có vị thiềm tô 15g. Một số bài thuốc ở trang 113, 115 cũng có vị thiềm tô trong thành phần.

Từ các nguồn tư liệu trên, người viết bài này thiển nghĩ cóc là một trong những vị thuốc được dùng trong Đông y từ lâu. Tuy nhiên vì nó có độc nên việc sử dụng cần rất thận trọng. Vả lại khi sử dụng các bài thuốc có thành phần cóc như trên đã nêu, người ta đều đun kỹ, chưa thấy có trường hợp nào nói là nuốt sống và chưa thấy trường hợp nào sử dụng gan, mật cóc sống. Trường hợp có ai đó nuốt gan, mật cóc sống mà đạt được kết quả, thiết nghĩ đó chỉ là trường hợp cá biệt do cơ địa có những cơ chế hấp thu đặc biệt, giống như những trường hợp nằm nổi trên mặt nước hàng giờ, hay cầm tay làm cho bóng điện sáng, bịt mắt đọc được chữ... Không phải ai cũng có khả năng đặc biệt đó do vậy không thể trở thành phổ biến. Và một khi không phải là phổ biến thì việc chữa bệnh phải tuân thủ tính khoa học, an toàn, hiệu quả dù là Đông y hay Tây y. Không thể xem thường sinh mạng của con người qua cách chữa phi khoa học theo một hiện tượng bất thường được.
Trần Quốc Toản

Bài thuốc chữa đau dạ dày


- Theo y học cổ truyền, đau dạ dày thuộc hội chứng vị quản thống, tâm hạ thống. Người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị (ĐVTV), có khi đau lan sang bên hông sườn, ợ hơi, ợ chua...

Theo y học cổ truyền, đau dạ dày thuộc hội chứng vị quản thống, tâm hạ thống. Người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị (ĐVTV), có khi đau lan sang bên hông sườn, ợ hơi, ợ chua... Bệnh phần nhiều do ăn uống không điều độ lạm dụng rượu bia, vị cay nóng, bổ béo, chua lạnh quá; do suy nghĩ, tức giận thái quá làm tổn thương công năng vận hóa của tỳ vị mà ngoại tà xâm nhiễm dẫn đến đau dạ dày.

Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bên cạnh đó sử dụng một số bài thuốc có tác dụng bổ điều hòa chức năng tỳ vị. Sau đây là một số phương thuốc theo đối chứng trị liệu có tác dụng, có thể tham khảo sử dụng:

ĐVTV có khi lan sang bên hông sườn, ấn vào đau tăng, có khi ợ hơi ợ chua: Nguyên nhân do can khí phạm vị. Phép trị chủ yếu kiện vị, hóa trệ, bình can, thông ứ. Dùng bài Tiêu giao gia giảm gồm: bạch truật 12g, phục linh 12g, bạch thược 16g, sài hồ 12g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả, bán hạ 8g, đảng sâm 12g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 3-5 thang hoặc hơn. Tác dụng: sơ can, giải uất, kiện tỳ hóa trệ, dưỡng huyết. Bài này rất thích hợp với người bị chứng đau dạ dày, đau lan hông sườn, có khi người nóng lạnh, đau đầu chóng mặt.

Bán hạ còn gọi là củ chóc.

ĐVTV đau lâm râm, chườm ấm dễ chịu: Nguyên nhân do tỳ vị hư hàn. Phép trị chủ yếu ôn bổ tỳ vị, khử hàn, chỉ thống. Dùng bài Lý trung hoàn gia giảm gồm: đảng sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 10g, chích thảo 6g, hương phụ 12g, trần bì 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 5-7 ngày hoặc hơn. Có thể tán nhỏ làm hoàn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Tác dụng: ôn trung, khu hàn, bổ ích tỳ, vị... Bài này rất thích hợp chứng vị hàn đau dạ dày, đại tiện lỏng, đầy bụng, nôn mửa, tay chân lạnh.

ĐVTV kèm đại tiện táo, miệng hôi, miệng khô khát, dùng tay ấn vào bụng đau tăng: nguyên nhân do vị nhiệt. Phép trị là thanh vị nhiệt, lợi hạ... Dùng bài Thanh vị tán gia giảm gồm: sinh địa 20g, đơn bì 16g, đương quy 14g, hoàng liên 10g, thăng ma 12g, uất kim 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 6g, nếu táo bón gia đại hoàng 6-8g. Tán bột mịn hoặc sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: dưỡng âm, thanh vị, nhuận táo... Trị chứng đau dạ dày do vị nhiệt ứ thống. Bài này chữa vị nhiệt đau dạ dày, miệng lưỡi lở đau rất hiệu quả.

ĐVTV nếu nôn, hoặc đại tiện được thì bớt đau: Nguyên nhân do thương thực. Dùng bài Bảo hòa hoàn gia giảm gồm: bán hạ 8g, liên kiều 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, hạt củ cải 14g, sơn tra 12g, thần khúc 12g, cam thảo 4g, mạch nha 12g, hương phụ 12g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng; tiêu tích, hòa vị, thanh nhiệt lợi thấp. Bài này rất thích hợp chứng vị thương thực đau dạ dày, ăn vào đau tăng, vốn dùng rượu bia, đồ bổ béo khó tiêu.

ĐVTV cố định một chỗ, đau từng cơn như kim châm, dùi đâm, có khi đại tiện ra máu: Nguyên nhân do huyết ứ. Phép trị là hoạt huyết, tiêu ứ, trấn thống. Dùng bài Cách hạ trục ứ thang gia giảm gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, đào nhân 12g, đơn bì 12g, xích thược 8g, ô dược 8g, huyền hồ 8g, cam thảo 6g, hương phụ 10g, chỉ xác 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, hóa ứ, rất thích hợp chứng đau dạ dày, đau tức ngực do huyết ứ.

Trên đây là những bài thuốc cổ phương gia giảm phòng trị đau dạ dày, bài thuốc đã sử dụng qua nhiều thế hệ thấy hiệu quả, hầu như không có tác dụng phụ, dễ sử dụng, dễ uống và có thể phối hợp cùng lúc uống cả thuốc Tây càng mau khỏi. Tuy nhiên, cần lựa chọn áp dụng phương thuốc phù hợp theo thể chứng. Ngoài ra, cần điều chỉnh ăn uống, tránh lo nghĩ, uất giận thái quá thì đau dạ dày ít có khả năng tái phát.

Lương y Trần Quốc Toản